Ngoại thương Kinh_tế_Việt_Nam

Xuất nhập khẩu

Năm 2008, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 64,8 tỷ Mỹ kim, trong đó khoảng 32,1% giá trị xuất khẩu là hàng công nghiệp nặng và khoáng sản, 45,2% là hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp, 23,5% là hàng nông, lâm, thủy sản. Trong khi đó cùng năm, giá trị nhập khẩu ước đạt 60,8 tỷ Mỹ kim, trong đó ước khoảng 30,2% giá trị nhập khẩu là máy móc, thiết bị, dụng cụ các loại, 63,7% là nguyên, vật liệu, chỉ có 6,1% là hàng tiêu dùng.[130]

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 264,19 tỷ Mỹ kim, tăng 8,4% so với năm 2018. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu đạt 253,07 tỷ Mỹ kim, tăng 6,8% so với năm 2018. Năm 2019, cán cân thương mại thặng dư ở mức 11,12 tỷ USD. Đây là năm thứ tư liên tiếp có xuất siêu, với mức thặng dư tăng dần qua các năm, từ 1,77 tỷ USD (năm 2016), 2,11 tỷ USD (năm 2017), 6,83 tỷ USD (năm 2018).[131] Tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam sang các thị trường có FTA năm 2019 lần lượt là 123,11 tỷ Mỹ kim và 186 tỷ Mỹ kim.[132]

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Năm 2019, trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản giảm 4,5%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 9,7% thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018.[133] Theo số liệu của Tổng cục thống kê Việt Nam, năm 2019, Việt Nam ghi nhận 37 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ Mỹ kim, chiếm tới 90,6% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó có 4 mặt hàng đạt trên 10 tỷ Mỹ kim (chiếm 45,8%) là điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; điện thoại và linh kiện; vải. Các thị trường nhập khẩu lớn nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN.[134]

Việt Nam hiện là nền kinh tế có độ mở lớn. Năm 2018, độ mở của nền kinh tế (kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP) là 208,3%, tăng liên tục so với các năm liền trước đó (năm 2017: 200,4%; năm 2016: 184,7%).[135]

Phòng vệ thương mại

Kể từ năm 2001 đến nay, năm nào Việt Nam cũng đối mặt với các vụ kiện thương mại do các đối tác nhập khẩu khởi xướng. Từ năm 1994 đến hết nửa đầu năm 2020, số vụ điều tra chống bán phá giá là 101 vụ, trong đó các vụ kiện của Hoa Kỳ, Australia, Canada, Malaysia chiếm phần lớn.[136] Từ năm 2009 đến hết nửa đầu năm 2020, số vụ điều tra chống trợ cấp là 21 vụ; ngoại trừ 1 vụ do EU khởi xướng, các vụ còn lại đều thuộc về Hoa Kỳ, Australia, Canada, Ấn Độ.[137] Từ năm 2001 đến hết nửa đầu năm 2020, số vụ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với hàng hóa Việt Nam là 34 vụ, phần nhiều các vụ là do Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines, Ấn Độ khởi kiện.[138]

Ở chiều ngược lại, đến hết nửa đầu năm 2020, Việt Nam đã khởi xướng 11 vụ điều tra chống bán phá giá[139], 6 vụ điều tra tự vệ[140] và chưa khởi xướng điều tra chống trợ cấp nào.

Hiệp định thương mại

Tại thời điểm tháng 9 năm 2020, Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại sau:

  • Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA)
  • Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AIFTA)
  • Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA)
  • Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA)
  • Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Hồng Kông (AHKFTA)
  • Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP)
  • Hiệp định Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA)
  • Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)
  • Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Chile (VCFTA)
  • Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)
  • Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA)
  • Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (VN-EAEU FTA)
  • Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA)

Ngoài ra Việt Nam còn đang trong quá trình đàm phán các hiệp định sau đây:

  • Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 5 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand
  • Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA)
  • Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Kinh_tế_Việt_Nam http://vietnamese.cri.cn/481/2011/02/14/1s151579.h... http://www.asiapacificms.com/papers/pdf/gt_opium_t... http://www.bbc.com/vietnamese/business/2015/02/150... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/10/1510... http://www.businessinsider.com/countries-most-like... http://www.economist.com/content/global_debt_clock http://www.pwc.com/vn/en/releases2008/vietnam-may-... http://www.voanews.com/vietnamese/news/vietnam-fit... http://kenh12.info/tai-chinh/ http://www.f.waseda.jp/tvttran/en/recentpapers/E03...